24 thg 1, 2013

CÚNG TÁO QUÂN

Năm hết Tết đến, chuyện lễ nghi cúng kính theo phong tục tập quán là nên làm, song hiện nay có rất nhiều cách hiểu và thực hiện việc cúng theo cách truyền miệng hoặc bắt chước. Bản thân thiết nghĩ điều trên hết với "Người trên" là thành tâm thật dạ, vẫn đảm bảo nghi lễ cổ truyền mà bớt rườm rà kiểu "phú quý sanh lễ nghĩa". Việc cúng Táo Quân 23 tháng chạp nên hiểu và thực hiện như sau:

1. Gốc tích: Có nhiều truyền thuyết về Táo Quân - Thần lửa theo Trung Hoa (rất lằng nhằng). Nhưng thôi ta nên bàn theo Việt, ấy là do 2 Ông 1 Bà vì nghĩa mà cùng chết trong lửa, Ngọc hoàng phong Thần gọi chung là Định Phúc Táo Quân (定福灶君) gồm: 
- Ô. Phạm Lang là Thổ công  coi việc bếp núc. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
- Ô. Trọng Cao là Thổ Địa      coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
- Bà. Thị Nhi là Thổ Kỳ          coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần
Trong 3 người thì ông Thổ Công Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân là "Bí thư", 2 người còn lại là "Ủy viên", vì vậy trong bài cúng chỉ xướng tên Ông này.

2. Ngày giờ cúng: Hầu hết các tài liệu và theo truyền miệng thì "23 đưa Ông Táo về trời", nhưng không rõ là sáng, trưa hay tối 23. Vì vậy có người cúng trưa 23 tháng chạp (trước ngọ), có người cúng tối 23. Ông nội tôi ngày xưa lại cúng tối 22 (19-21giờ), và được giải thích là "đưa ông Táo về trời" nghĩa là tiễn để sáng 23 Táo Quân đi. Cách hiểu này cũng có phần đúng vì xem ra sáng 23 Táo Quân "giao ban" rồi mà trưa mới đưa Táo đi thì có hợp không...? Nghĩ lại cách ta cúng Giao Thừa đúng thời khắc 0 giờ mồng 1 Tết thì có lẽ nên cúng đưa tiễn Táo Quân 0 giờ ngày 23 cho chắc ăn, nhưng liệu việc chuẩn bị lễ vật ban đêm khuya để cúng Táo Quân mấy ai chịu khó làm như cúng Giao Thừa!?
Vì vậy: - Nếu có thể chuẩn bị trước được thì nên cúng Táo Quân rạng sáng 23 tháng chạp (0 đến 5 giờ)
           - Bận bịu thì lo chợ búa nấu nướng xong làm lễ cúng trưa 23 nhưng đừng quá 12 giờ.

3. Lễ vật: Tùy Gia chủ nhưng tối thiểu các thứ sau:
- Áo, hia hài Táo Quân và tiền vàng giấy (tùy theo ngũ hành của năm mà chọn màu, ngoài chợ đã bán sẵn);
- Hương, đèn nến;
- Lọ hoa tươi;
- Đĩa ngũ quả tươi;
- Trầu cau, trà, rượu (có thể bia);
- Bánh kẹo (có thể thuốc lá);
- Mâm cỗ mặn (thịt heo luộc, canh, xào, giò chả, xôi, chè...);
- Cá chép sống (lễ này có ở Bắc - không có cũng được, có người nói 3 con ý để 3 người cưỡi, nhưng thiết nghĩ 2 ông 1 bà đã cùng chết được phong là Định Phúc Táo Quân chẳng lẽ lại đi riêng "--> làm như dân ta mỗi người mỗi xe máy!! ")
Chú ý: Không có muối gạo

4. Nơi cúng: Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về Táo Quân (trong đó có Thổ Công như nói trên) và Thổ Công (một vị thần riêng) từ đó sinh ra nhiều cách đặt vị trí thờ cúng, sau khi tìm hiểu một số tài liệu tôi nghĩ tùy gia cảnh hiện thời mà gia chủ nên đặt lễ cúng phù hợp. Nhưng nhất thiết lễ vật chính nói trên phải đặt ở am Ông Táo. Còn vị trí bàn thờ chính Tổ Tiên trong nhà và bàn thờ Trời Đất ngoài nhà (nếu có) thì nên đặt hoa quả hương đèn xôi chè thôi.

5. Cách cúng:
- Bài khấn:


Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là Vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. 
Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Trải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Phục duy cẩn cáo!

- Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã (cùng bài khấn) và thả cá chép (nếu có) ra ao, hồ, sông, suối.
Nếu nhà có thờ bài vị Táo Quân thì sẽ đốt cùng vàng mã, và thay bằng bài vị mới để thờ cho năm sau.
Lưu ý: Tối Giao thừa nhớ rước Táo Quân về lại "kẻo không có ổng bật bếp ga hoài không đỏ lửa!!!"
 
(Coto - Sông Bung Nam Giang 14 tháng chạp Nhâm Thìn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét