25 thg 12, 2011

Cúng giỗ người thân, ông bà

I. Giỗ
Người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch. Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán nhằm tưởng nhớ đến người đã mất.
Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm lịch của người được thờ cúng.
Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ.
1) Ý nghĩa
Cúng giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời quan trọng của người Việt, được tính theo Âm lịch. Ngày này là ngày để thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến và vài món ăn giản dị cúng người mất cũng đã có lòng Thành kính đối với người đã mất. Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Thân bằng, cố hữu của những người quá cố nếu thấy lưu luyến thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn từ trước, không cần phải đợi đến thiệp mời như tiệc cưới, lễ mừng, không nên có chuyện hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo (有请有来, 无请不到), nghĩa là mời thì đến, không thì thôi.

2) Cách khấn trong cúng giỗ
 Nếu bố đã chết thì phải khấn là: Hiển khảo;
 Nếu mẹ đã chết thì phải khấn là: Hiển tỷ;
 Nếu ông đã chết thì hải khấn là: Tổ khảo;
 Nếu bà đã chết thì phải khấn là: Tổ tỷ;
 Nếu cụ ông đã chết thì hải khấn là: Tằng Tổ Khảo;
 Nếu cụ bà đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ Tỷ;
 Nếu anh hoặc em trai đã chết thì phải khấn là: Thệ huynh, Thệ đệ
 Nếu cô, dì, thím, mợ, chú, bác, cậu đã chết thì phải khấn là: Bá thúc Cô Di, Tỷ Muội;
 Cũng có thể khấn chung là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ nội ngoại Gia Tiên.

3) Những ngày quan trọng trong cúng giỗ
Có 3 ngày giỗ: Giỗ Đầu, Giỗ Hết, Giỗ Thường.
a) Giỗ Đầu: gọi là Tiểu Tường (chữ Hán: 小詳), là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, con cháu vẫn mặc đồ tang phục.
b) Giỗ Hết: Giỗ Hết gọi là Đại Tường (chữ Hán: 大詳), là ngày giỗ sau hai năm, con cháu vẫn mặc đồ tang phục.
c) Giỗ Thường: Giỗ Thường còn gọi là ngày Cát Kỵ (chữ Hán: 吉騎), là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục.

Ngày giỗ thường được duy trì đến hết năm đời. Đến sau năm đời, vong linh người quá cố được siêu thoát, đầu thai hóa kiếp trở lại nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa mà nạp chung vào kỳ xuân tế.

4) Ngày Tiên Thường và Chính Kỵ: Trong việc cúng vào ngày Giỗ thì bao gồm gồm 2 lễ quan trọng: Lễ Tiên thường - trước 1 ngày Lễ Chính kỵ - chính ngày mất.

* Ngày Cáo Giỗ
Ngày Cáo Giỗ còn được gọi là Tiên Thường là ngày giỗ trước ngày người quá cố qua đời. Trong ngày này, con cháu cúng cáo giỗ để mời người đã khuất hôm sau về hưởng giỗ, xin phép Thổ công cho phép vong hồn người được giỗ và nội ngoại cùng về hưởng giỗ cùng con cháu. Ngày cúng cáo giỗ chỉ được áp dụng đối với giỗ trọng (tức những người hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em...) mà không cần thiết phải áp dụng đối với giỗ mọn (tức những người hàng dưới trưởng gia như con, cháu, chắt, chít...) mà chỉ cúng ngày chính giỗ. Vào ngày này, trưởng gia mang lễ ra mộ mời vong hồn về, sửa sang lại mộ phần cho ngay ngắn.
Phải cúng Công thần Thổ Địa trước, Gia Tiên sau. Bàn thờ lúc nào cũng hương khói nghi ngút cho đến hết lễ Chính Kỵ vào buổi sáng hôm sau.
Khi cúng, Gia chủ cần phải cúng để mời người được hưởng giỗ trước, tiếp theo mới đến mời Gia tiên nội/ngoại từ bậc cao nhất đến thấp nhất và cáo thỉnh Gia thần cùng về đây để dự tiệc Giỗ.

* Ngày Chính Giỗ
Ngày Chính Giỗ còn được gọi là Chính Kỵ là ngày mất của người được giỗ. Điều bắt buộc trong cỗ cúng là phải có bát cơm úp và một quả trứng luộc kèm gia vị (ngày nay không bắt buộc).

Có gia đình thường mời cả hai lễ Tiên Thường và Chính Kỵ, đôi khi lễ tiên thường đông hơn vì vào buổi chiều, khi làm xong việc thì tới nhà hàng xóm ăn giỗ tiện hơn. Theo phong tục, lễ tiên thường phải cũng buổi chiều, lễ chính kỵ phải cúng buổi sáng kể cả khi đến chiều hoặc tối hôm đó mới mất.
(trích theo Trương Tộc Việt Nam -Trương Quang Thông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét